Như chúng ta biết, một cái cây muốn mọc cao, gió không làm nó đổ thì bộ rễ không phải mọc rộng mà phải cắm sâu vào lòng đất. Điều này giúp cái cây vừa dễ dàng hút chất dinh dưỡng nhưng cũng giúp cái cây có một nền móng vững chắc trước các cơn gió bão.
Ánh xạ việc đó sang một người làm nghề, muốn đi sâu với nghề, đảm nhận được những vị trí cao thì bạn không chỉ biết rộng, biết nhiều mà phải biết sâu. Khái niệm biết sâu ở đây là biết rõ, biết chắc về chính cái các bạn đang làm việc chứ không ở đâu xa. Vì khi chúng ta biết sâu về một vấn đề, bạn sẽ rất tự tin khi áp dụng nó hay tùy chỉnh nó để có thể phù hợp với các dự án thực tế.
Lấy ví dụ, chúng ta hiểu sâu về .NET Framework hay lập trình ASP.NET Core thì chúng ta sẽ hiểu được những gì? Chúng ta biết được nền tảng .NET nó làm việc ra sao? Các thành phần của nó như thế nào? Tại sao nó lại chia ra các kiểu dữ liệu như thế? Mỗi kiểu dữ liệu khác nhau như thế nào? Khi nào thì chúng ta dùng kiểu dữ liệu đó? Đó là các ví dụ đơn giản nhất về hiểu sâu. Đương nhiên sâu thì còn nhiều vấn đề khác nữa. Chứ không đơn thuần là chúng ta "lao đầu" vào làm đến khi gặp vấn đề chúng ta mới ngỡ ngàng và tìm cách xử lý.
Người biết sâu, biết rộng và có kinh nghiệm sẽ nhận biết được các vấn đề từ rất sớm, từ khi nó chưa xảy ra. Chứ không phải khi vấn đề xảy ra rồi chúng ta mới biết thì không phải một người giỏi. Đương nhiên không phải ai cũng biết tất cả, nhưng người giỏi là người biết nhiều nhất có thể trong công việc của họ. Kể cả những vấn đề chưa biết nhưng khi họ nắm được quy luật lý thuyết thì họ sẽ luôn có những đề phòng rủi ro có thể xảy ra với giải pháp mà họ sẽ định làm. Đó là sự khác biệt.
Vậy nên lời khuyên cho các bạn mới làm lập trình, hãy tập trung đào sâu cái mà chúng ta đang làm? Tự hỏi xem chúng ta đã thực sự hiểu chưa? Tại sao chúng ta làm như thế này mà không phải như thế kia. Vậy khi nào thì chúng ta áp dụng giải pháp nào phù hợp. Chứ không phải cái gì chúng ta cũng biết một chút. Đang học cái này thấy không ổn chúng ta bỏ cuộc nhảy sang cái khác.
Vì để học từ 1-5 rất dễ, 5-10 sẽ khó hơn và khó lên dần dần. Nên khi mới học một cái gì đó, chúng ta thấy rất hứng khởi. Khi đến một ngưỡng nào đó bạn sẽ thấy sao nó khó thế. Để lên nữa thì rất khó mà để sang một công nghệ mới, một ngôn ngữ mới lại thấy dễ thế. Nên chúng ta rất hay bị cái bẫy trung bình là như vậy.
Đó là một số chia sẻ của TEDU để các bạn trẻ có thêm tham khảo về con đường sự nghiệp của mình. Rất mong nó có ích cho các bạn.
Tác giả: Bạch Ngọc Toàn
Chú ý: Tất cả các bài viết trên TEDU.COM.VN đều thuộc bản quyền TEDU, yêu cầu dẫn nguồn khi trích lại trên website khác.